Cùng với nhiệm vụ cấp thiết là giải quyết các vấn đề nhân đạo và khủng hoảng hạt nhân, người Nhật còn phải gánh vác một trọng trách không kém phần nặng nề, mà để hoàn thành nó có lẽ phải mất hàng năm trời: tái thiết nền kinh tế và, như thủ tướng Naoto Kan nhấn mạnh, xây dựng một "nước Nhật mới".
Đến thời điểm này vẫn chưa thể tổng hợp được chính xác thiệt hại mà trận động đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử gây ra cho nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên, những thiệt hại tức thời có thể nhận thấy là hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy gần như hoàn toàn ở các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, và nền sản xuất công nghiệp trứ danh, sức bật của nền kinh tế Nhật, bị đình trệ lại. Gián đoạn sản xuất không chỉ diễn ra ở những vùng chịu thảm họa mà còn trên quy mô cả nước, do ảnh hưởng trực tiếp từ việc cắt nguồn cung cấp điện từ các nhà máy điện hạt nhân, vốn chiếm 30% lượng điện sản xuất của Nhật Bản.
Cùng với đó là một tâm lý sợ hãi bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Hôm thứ ba vừa qua, chỉ số chứng khoán Nikkei, phong vũ biểu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã giảm tới hơn 14%, mức giảm sâu nhất kể từ hai năm qua, bất chấp một lượng tiền lớn chưa từng có được bơm ra từ ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm ổn định thị trường.
Chi phí cho công cuộc tái thiết cũng là một vấn đề lớn. Theo tính toán tạm thời của ngân hàng đầu tư Credit Suisse, chi phí để xây dựng lại cơ sở hạ tầng ít nhất là khoảng 180 tỉ USD, 3% GDP của Nhật Bản và gấp đôi số tiền tái thiết sau trận động đất ở Kobe 16 năm về trước. Sẽ không có chuyện dễ dàng tăng chi tiêu ngân sách cho chính phủ, khi mức nợ công của quốc gia này đã gấp đôi GDP, con số cao nhất trong các nước phát triển.
Cất cánh từ đống tro tàn
Sự đình trệ của nền kinh tế Nhật Bản là tất yếu, tuy vậy phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng nó sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, sự tăng lên của nhu cầu tái đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu cá nhân sau thảm họa sẽ là lực đẩy để cho kinh tế Nhật tăng trưởng trở lại sau hơn 20 năm trì trệ. Đây là một quy luật mang tính lịch sử: câu chuyện "thần kỳ Nhật Bản" sau Thế Chiến II bắt nguồn chủ yếu từ nhu cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa.
Nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư và chi tiêu không phải là một vấn đề quá lớn với Nhật Bản. Các công ty đang kinh doanh ở nước ngoài của Nhật Bản được cho là sẽ rút một lượng tiền lớn để đầu tư ngược trở lại, vốn rất có thể sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ cũng như được lòng công chúng. Thêm vào đó, mức tiết kiệm cá nhân của người Nhật cũng rất cao, đạt 28% theo tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), giúp cho việc mở rộng chi tiêu cá nhân sẽ không gặp nhiều khó khăn.
|
Thảm họa động đất, sóng thần đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ảnh: AP |
Chính phủ Nhật Bản cũng có thể vay vốn trên thị trường quốc tế để tái đầu tư, với chi phí thấp do mức tín nhiệm của quốc gia này luôn ở mức cao nhất. Mặc dù lựa chọn này có thể khiến Nhật Bản lún sâu thêm vào vũng lầy thâm hụt ngân sách, nhưng rõ ràng nó vẫn là chấp nhận được trong thời gian ngắn hạn nếu cần thiết.
Thảm họa cũng sẽ là cơ hội để nước Nhật thay đổi lại cơ cấu kinh tế của mình, đặc biệt là cơ cấu ngành điện lực. Những vụ nổ từ các nhà máy hạt nhân ở bờ biển phía Tây chắc chắn sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch nguồn cung điện của Nhật Bản về phía năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời; vì rõ ràng người Nhật không bao giờ muốn, dù chỉ là có nguy cơ, trở thành nạn nhân lần thứ hai của thảm họa nguyên tử. Với những công ty đứng đầu thế giới về công nghệ và sáng tạo, người ta có quyền hi vọng một làn sóng "công nghệ sạch" mới sẽ bắt nguồn từ Nhật Bản, vốn sẽ không chỉ làm lợi cho quốc gia này mà còn cho cả cộng đồng thế giới nói chung.
Tác động nào cho nền kinh tế thế giới?
Với một nền kinh tế có GDP hơn 5.000 tỉ USD và tham gia sâu rộng vào hầu hết các sân chơi lớn, thảm họa ngày thứ sáu đen tối ở Nhật Bản tất yếu sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, vốn đang rất mong manh sau khủng hoảng tài chính 2008.
Điều đó thể hiện trước tiên là việc thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong suốt tuần qua. Tuy vậy, ảnh hưởng của nó vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không quá lớn, dù thời điểm này là quá sớm để đưa ra những con số tính toán chi tiết.
Tác động mạnh mẽ nhất có thể xảy ra là ở chuỗi cung ứng sản xuất hàng điện tử toàn cầu, mà Nhật Bản là một trong những mắt xích trọng yếu. Quốc gia này là nơi sản xuất hơn 40% chip điện tử cho điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng, và là nhà cung ứng chính cho các loại màn hình tinh thể lỏng dùng cho các sản phẩm điện tử.
Trong ngắn hạn, các quốc gia nhận nhiều vốn FDI và vốn hỗ trợ phát triển ODA của Nhật Bản, như Việt Nam, cũng không phải quá lo lắng về sự cắt giảm đột ngột nguồn vốn đầu tư, vì lượng tiền tái thiết sau thảm họa sẽ chủ yếu đến từ các nguồn có tính thanh khoản cao như lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như những nguồn vốn đầu tư ngắn hạn. Những sự thay đổi, nếu có, sẽ chỉ xảy ra trong dài hạn khi chính phủ và các doanh nghiệp Nhật có bất kỳ các chính sách phát triển nào mới.
Tuy vậy, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu không thể thiếu sự tham gia của Nhật Bản, quốc gia có khối lượng thương mại, FDI, và cả ODA hàng đầu trong các nền kinh tế. Cả thế giới vẫn rất cần và chờ đợi một nước Nhật hồi phục mạnh mẽ, tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế toàn cầu như đã từng làm trong nửa cuối thế kỷ trước và trong suốt thập niên qua.
|
Cảnh tượng chấn động của nước Nhật trong thảm họa. Ảnh: Gazeta Wyborcza |
"Một nước Nhật mới"
Thiên nhiên tạo ra nỗi đau cho người Nhật, cũng như một cú đánh mạnh vào người khổng lồ đang ngủ. Nỗi đau có thể không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nó sẽ là động lực để nước Nhật thức dậy sau hai mươi năm chìm đắm trong cơn mê dài.
Sự đồng cảm về mất mát đau thương sẽ giúp người Nhật sát lại gần nhau hơn, chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân và hăng say làm việc để tiếp tục bước tiếp. Bản lĩnh của một dân tộc cần cù, chịu khó, thông minh, cùng với tinh thần đoàn kết sắt đá sẽ tạo ra sức mạnh vô biên cho nước Nhật vượt qua thảm họa.
Đó là sức mạnh giúp nước Nhật từ một quốc gia tận đáy của đổ nát vươn lên thành siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới, thì sẽ cũng là sức mạnh đưa quốc gia này đi qua bất kỳ tai ương nào khác. Như thủ tướng Naoto Kan cuối tuần qua đã kêu gọi: "Động đất, sóng thần, và tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II. Nhưng nếu cả quốc gia đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả."
"Để rồi một ngày nào đó khi nhìn lại thời khắc này, người Nhật sẽ thấy đây chính là thời điểm quyết định để xây dựng một nước Nhật hoàn toàn mới." Lời bình luận của tác giả Nassirine Azimi trên tờ New York Times cũng chính là niềm tin của thế giới dành cho quốc gia mặt trời mọc đáng tự hào này.